Góp vốn, mua cổ phần công ty
Tình huống:
Công ty A được thành lập tại Nhật Bản. Công ty TNHH một thành viên B do anh C là Công dân Việt Nam sở hữu, được thành lập tại Việt Nam đang sở hữu hệ thống bán lẻ thiết bị thể dục tại Việt Nam. Công ty A mong muốn nhập khẩu các thiết bị thể dục do mình sản xuất vào Việt Nam thông qua việc mua một công ty chuyên phân phối thiết bị thể dục có danh tiếng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng để tiết kiệm chi phí tìm hiểu thị trường từ ban đầu.
Nhận thấy Công ty B là một công ty mục tiêu tiềm năng, Công ty A có nhu cầu mua 100% phần vốn góp của Công ty B. Công ty A phải lưu ý các vấn đề pháp lý cơ bản nào khi thực hiện hoạt động này?
Tư vấn pháp lý:
1. Tỉ lệ sở hữu nước ngoài của Công A tại Công ty B
Theo Luật đầu tư 2014, tỉ lệ sở hữu nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động mua cổ phần, phần vốn góp tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam.
Theo Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, kể từ ngày 01/01/2009, các hạn chế về sở hữu nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài đối với hoạt động phân phối đã được bãi bỏ. Theo đó, Công ty A được sở hữu 100% phần vốn góp, cổ phần tại Công ty B.
2. Công ty A đăng ký góp vốn vào Công ty B
Theo Luật đầu tư 2014, Công ty A không cần phải thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thay vào đó, Công ty A cần thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn vào Công ty B tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi Công ty B đặt trụ sở.
Công ty A cũng cần lưu ý rằng văn bản đề nghị góp vốn vào Công ty B để gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có cả xác nhận (chữ ký, con dấu) của người đại diện theo pháp luật của Công ty B, vì vậy, trước khi tiến hành thủ tục này, Công ty A cần thiết phải thực hiện hoạt động đàm phán, trao đổi, thương lượng sơ bộ về nhu cầu mua bán làm cơ sở để Công ty B tiến hành xác nhận.
Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tham khảo tại đây.
3. Thay đổi Điều lệ Công ty B
Khi Công ty A trở thành chủ sở hữu của Công ty B, một số các nội dung sau của Điều lệ cần được thay đổi nhằm tuân thủ Luật doanh nghiệp 2014:
– Thông tin chủ sở hữu: Công ty A
– Thông tin người đại diện theo pháp luật mới (nếu có)
– Thông tin về người quản lý doanh nghiệp
– Ghi nhận về việc Công ty A nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp từ anh C (nếu xét thấy cần thiết)
4. Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty B
Theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP, một số nội dung đăng ký doanh nghiệp mà Công ty B cần tiến hành sau khi Công ty A trở thành chủ sở hữu của Công ty B bao gồm:
– Đăng ký thay đổi chủ sở hữu
– Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật (nếu có)
– Thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (nếu có)
– Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Sau khi thực hiện các thủ tục trên, Công ty B sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới với thông tin mới được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty tham khảo tại đây.
Thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật tham khảo tại đây.
5. Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của Công ty B
Công ty B phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đối với hoạt động bán lẻ khi Công ty A chính thức trở thành chủ sở hữu.
Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh bao gồm:
– Công ty B không nợ thuế
– Công ty B có kế hoạch tài chính được phê duyệt
– Công ty B thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế đối với cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi
Ngoài các vấn đề pháp lý cơ bản nêu trên, để việc mua Công ty B diễn ra hiệu quả, tránh rủi ro pháp lý sau này, Công ty A nên sử dụng các dịch vụ thẩm định, rà soát pháp lý của các công ty luật có uy tín trên thị trường nhằm tránh các rủi ro pháp lý trong quá trình tìm hiểu Công ty B, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán với chủ sở hữu Công ty B và các hoạt động sau khi mua bán thành công.
Các rủi ro pháp lý thường xảy đến khi Công ty A chưa tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề, rủi ro pháp lý mà Công ty B gặp phải, có thể dẫn tới các chi phí mới phát sinh sau này mà Công ty B phải chi trả cho bên thứ ba sau khi Công ty A sở hữu Công ty B. Các vấn đề pháp lý cơ bản mà Công ty A cần rà soát, thẩm định pháp lý đối với Công ty B bao gồm:
– Các rủi ro pháp lý về hợp đồng: hợp đồng với các đối tác, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thuê văn phòng, hợp đồng lao động…
– Các rủi ro pháp lý về thuế: nợ thuế, vi phạm pháp luật về thuế…
– Các rủi ro pháp lý về lao động: nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, vi phạm các quy định về lao động về nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động…
– Các rủi ro pháp lý về các tranh chấp: rủi ro phát sinh các tranh chấp từ các hợp đồng; đang giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải, tòa án hoặc trọng tài; đang thi hành các bản án/quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài…
– Các rủi ro pháp lý về tài sản: các dự án đầu tư đang triển khai, quyền sở hữu đối với bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu đối với máy móc, trang thiết bị, văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh…
– Các rủi ro pháp lý về quản trị doanh nghiệp trước đây: Điều lệ Công ty, thẩm quyền ký, đóng dấu các văn bản, tài liệu, nội dung các cuộc họp Công ty trước đây, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp các lần sửa đổi bổ sung…
Trên đây là các tư vấn pháp lý sơ bộ của Bizlawyer & Partners đối với đề nghị tư vấn của Công ty A. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, thẩm định pháp lý công ty mục tiêu, đại diện đàm phán, thương thảo hợp đồng trong hoạt động mua bán cổ phần, phần vốn góp, xin vui lòng đăng ký dịch vụ với chúng tôi theo thông tin như dưới đây. Bizlawyer & Partners luôn sẵn sàng đồng hành cùng Quý khách hàng.