Thủ tục chuyển vốn đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam

Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề chuyển vốn thực hiện dự án đầu tư? Nhà đầu tư chuyển vốn vào theo phương thức nào thì an toàn và hợp pháp? Đó là những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi dự định tham gia các hình thức đầu tư vào Việt Nam.

Thông tư số 06/2019/TT-NHNN là văn bản trực tiếp quy định về vấn đề này, theo đó tất cả các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đều phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

Vậy, khi nào nhà đầu tư phải thực hiện chuyển vốn vào Việt Nam? Việc chuyển vốn được thực hiện thông qua hình thức nào? Bằng loại tài sản nào? Bài viết sau đây Bizlawyer sẽ giải đáp những vướng mắc đó.

1. Vốn đầu tư là gì và nhà đầu tư có thể sử dụng chuyển vốn bằng loại tiền tệ nào?

Theo quy định tại khoản 18, Điều 3, Luật đầu tư 2014 thì “Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Theo đó nhà đầu tư có thể sử dụng tiền và tài sản để thực hiện hoạt động đầu tư. Tuy nhiên sẽ đề cập chủ yếu trên phương diện chuyển vốn đầu tư bằng tiền mặt. (Đối với hình thức chuyển vốn bằng tài sản sẽ được Bizlawyer tư vấn tại một bài viết khác)

Đồng tiền được sử dụng trong hoạt động đầu tư có thể là đồng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam. Theo đó Nhà đầu tư phải và chỉ được thực hiện mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam tại một ngân hàng được phép để sử dụng loại tiền tệ tương ứng.

2. Nhà đầu tư có thể chuyển vốn đầu tư theo hình thức nào?

  • Theo quy định tại khoản 3, Điều 4, Thông tư 06/2019/TT-NHNN: “Việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, (…) phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.”
  • Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (theo quy định tại khoản 5, Điều 3, TT 06/2019/TT-NHNN).

Đối tượng mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp gồm:

  1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gồm:
  • Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Doanh nghiệp không thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên.
  • Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.
    1. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án (sau đây gọi là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP).

Bạn đã biết các thủ tục cần thiết để rút lợi nhuận của doanh nghiệp về nước sau khi đã đầu tư thành công dự án tại Việt Nam ?

3. Thời điểm thực hiện chuyển vốn đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển vốn theo một trong hai thời điểm là giai đoạn chuẩn bị đầu tư (trước khi được cơ quan nhà nước cấp phép) và giai đoạn sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cụ thể:

  • Giai đoạn trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam. Khoản tiền này sẽ được xử lý trong giai đoạn sau khi được cấp phép hoặc không được cấp phép như sau:

+       Trường hợp được cấp phép: (i) Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn góp; (ii) Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

+       Trường hợp không được cấp phép: Chuyển trả cho nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam số tiền đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, nếu bạn chưa biết các thủ tục cần thiết để xin đầu tư dự án tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác về đầu tư của Bizlawyer

  • Giai đoạn sau khi được cấp phép: Sau khi tất toán khoản vốn góp tại giai đoạn trước khi được cấp phép theo quy định nêu trên, Nhà đầu tư có nghĩa vụ góp đầy đủ đúng hạn số vốn đã cam kết góp:

(i)     trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp thành lập tổ chức kinh tế mới);

(ii)    thanh toán tiền nhận chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp sau khi được cơ quan nhà nước cho phép đăng ký góp vốn mua cổ phần và theo thỏa thuận tại Hợp đồng chuyển nhượng vốn/cổ phần (với trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần);

(iii)   góp vốn theo thời hạn quy định trong Hợp đồng BCC (với trường hợp đầu tư theo hình thức BCC).

Kết luận

Lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam luôn là 1 lĩnh vực đầy thú vị và thử thách cho các nhà đầu tư nước ngoài, trước khi tham gia vào thị trường, các công ty nên cần có kiến thức pháp lý rõ ràng và chuẩn xác, Bizlawyer luôn bên cạnh và hỗ trợ cho các công ty có nhu cầu triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam !

Bizlawyer cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan đến vấn đề này. Qúy khách hàng có nhu cầu hoặc thắc mắc xin liên hệ trực tiếp qua địa chỉ email: Info@bizlawyer.vn hoặc Hotline Gọi ngay: 086.888.1900 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

 

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ