Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Tình huống:

Công ty Shinichi là công ty được thành lập tại Nhật Bản chuyên kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm tươi sống. Trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh chính thức tại thị trường Việt Nam, Công ty Shinichi mong muốn được thành lập một văn phòng đại diện tại Việt Nam để thực hiện hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, nhằm nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm thực phẩm tươi sống, đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động phân phối, xuất nhập khẩu. Công ty Shinichi mong muốn được tư vấn pháp lý về điều kiện và thủ tục thành lập văn phòng đại diện của Công ty tại Việt Nam.

Tư vấn pháp lý:

Công ty Shinichi được coi là thương nhân nước ngoài theo quy định tại Nghị định 07/2016/NĐ-CP và Thông tư số 11/2016/TT-BCT.

1. Điều kiện thành lập văn phòng đại diện

– Thời hạn thành lập: Công ty Shinichi đã hoạt động được từ 01 năm trở lên, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký.

– Thời hạn hoạt động: trường hợp giấy phép thành lập của Công ty Shinichi có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn này phải từ 01 năm trở lên.

– Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định tại biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam, Công ty Shinichi được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng văn phòng đại diện không được trực tiếp thực hiện các hoạt động sinh lời.

2. Thủ tục thành lập văn phòng đại diện

Công ty Shinichi sẽ thực hiện thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Sở Công Thương hoặc Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất hoặc Khu công nghệ cao tùy vào địa điểm dự định thành lập văn phòng đại diện.

Chi tiết hồ sơ, thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài xem tại đây.

3. Lưu ý về hoạt động của văn phòng đại diện 

– Người đứng đầu văn phòng đại diện không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:

a) Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;

b) Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;

c) Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;

d) Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.

– Phạm vi hoạt động: văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của Công ty Shinichi.

– Chế độ báo cáo hoạt động: Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, văn phòng đại diện có trách nhiệm gửi báo cáo về hoạt động của mình trong năm trước đó qua đường bưu điện tới Cơ quan cấp Giấy phép.

Trên đây là tư vấn pháp lý sơ bộ của Bizlawyer & Partners. Quý Khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của chúng tôi liên quan tới điều kiện, thủ tục thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây. Chúng tôi rất mong muốn có cơ hội đồng hành cùng Quý Khách hàng.

 

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ