Những lưu ý trong thủ tục tăng, giảm vốn đầu tư

Vốn đầu tư được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư “(GCNĐT”) bao gồm vốn góp của nhà đầu tư (tương ứng với vốn điều lệ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và vốn huy động (vốn vay). Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư hoàn toàn có thể tăng vốn để mở rộng quy mô dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh/giảm vốn đầu tư theo tình hình thực tế của dự án. Khi đó, nhà đầu tư cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư được ghi nhận trên GCNĐT đúng theo quy định pháp luật Việt Nam.

Bài viết sau sẽ giúp Nhà đầu tư nắm bắt được thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư và những lưu ý liên quan khi thực hiện thủ tục này.

1. Chủ thể thực hiện

Nhà đầu tư dự án thực hiện thủ tục điều chỉnh GCNĐT, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“GCNĐKDN”) tại cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính

Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư (“QĐCTĐT”) (với dự án thuộc trường hợp phải có QĐCTĐT)

Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở kế hoạch và đầu tư hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (Gọi chung là cơ quan đăng ký đầu tư)

3. Thủ tục điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư

Bước 1: Nộp hồ sơ điều chỉnh GCNĐT

Chủ dự án đầu tư nộp 01 (một) bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư có thể tự mình nộp hồ sơ hoặc ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết hành chính.

Hồ sơ điều chỉnh GCNĐT bao gồm các tài liệu sau:

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
  • Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;
  • Giải trình Bản giải trình lý do điều chỉnh. Trong đó, nhà đầu tư giải trình về khả năng tài chính, nguồn vốn đầu tư đảm bảo việc tăng vốn hoặc giải trình về tính khả thi của việc thực hiện dự án khi giảm vốn. Nhà đầu tư có thể chứng minh bằng các tài liệu nộp kèm;
  • Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư (tăng/giảm vốn đầu tư);
  • Báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất của nhà đầu tư;
  • Trường hợp tăng vốn: Chứng từ xác nhận việc góp vốn của Nhà đầu tư (trường hợp tăng vốn do Nhà đầu tư góp bổ sung vốn); cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư (trường hợp tăng vốn đầu tư do huy động).

Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ

Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ

Trường hợp không thuộc diện QĐCTĐT: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

Trường hợp thuộc diện QĐCTĐT:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lấy ý kiến thẩm định nội dung điều chỉnh;

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan được gửi hồ sơ xin ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh thuộc phạm vi quản lý của mình;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cơ quan nêu trên, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung điều chỉnh dự án đầu tư để trình UBND cấp tỉnh;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Cơ quan đăng ký đầu tư, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh QĐCTĐT và gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư;

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Căn cứ văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh GCNĐT cho nhà đầu tư

Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hành chính

Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Cơ quan đăng ký đầu tư đã nộp hồ sơ.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: GCNĐT đã điều chỉnh

Bước 5: Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp GCNĐT điều chỉnh, Nhà đầu tư nộp hồ sơ điều chỉnh thông tin về vốn điều lệ trên GCNĐKDN tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp GCNĐKDN điều chỉnh.

4. Những lưu ý khi thực hiện việc tăng, giảm vốn đầu tư

– Đối với các dự án thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư, khi điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư, phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh GCNĐT.

– Trường hợp đề xuất của nhà đầu tư về việc điều chỉnh nội dung GCNĐT dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải QĐCTĐT, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục QĐCTĐT trước khi điều chỉnh GCNĐT.

– Nhà đầu tư chứng minh được điều kiện về năng lực tài chính đối với khoản vốn đầu tư đăng ký tăng lên.

– Các phần vốn góp thực hiện dự án đã đăng ký trên GCNĐT hiện tại phải được góp đủ theo đúng quy định của pháp luật.

– Trường hợp cùng với việc điều chỉnh vốn đầu tư dẫn tới sự thay đổi vốn điều lệ (vốn góp của nhà đầu tư) thì Nhà đầu tư cần thực hiện thêm thủ tục thay đổi vốn điều lệ trên GCNĐKDN.

Kết luận

Các thủ tục pháp lý trong vấn đề tăng/giảm vốn đầu tư luôn là các thủ tục phức tạp, cần cung cấp đầy đủ các thông tin về hồ sơ, nếu như quý khách đang quan tâm và cần giải quyết các vấn đề trong việc tăng giảm vốn đầu tư, quý khách có thể liên hệ trực tiếp tới Bizlawyer để được hướng dẫn thêm

Nếu có vướng mắc hoặc có các yêu cầu được tư vấn chi tiết về các hình thức đầu tư nêu trên, quý khách hàng có thể liên hệ với Bizlawyer qua địa chỉ email: Info@bizlawyer.vn hoặc Hotline Gọi ngay: 086.888.1900 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ