Điều kiện và thủ tục xin Giấy phép hoạt động phòng khám nha khoa
Điều kiện, thủ tục xin Giấy phép hoạt động phòng khám nha khoa
Sức khỏe, thẩm mỹ là những vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với người dân trong bối cảnh hiện tại. Do đó, ngày càng có nhiều Phòng khám tư nhân được thành lập để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, phổ biến nhất hiện nay là các Phòng khám Nha khoa của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vậy để thành lập Phòng khám Nha khoa, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì? Thành phần hồ sơ gồm những gì? Trình tự thủ tục được tiến hành như thế nào… Đây đều là những vấn đề đa số doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi mới thành lập Phòng khám Nha khoa.
Để các doanh nghiệp có thể hiểu và nắm được những vấn đề này nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, không vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Bizlawyer sẽ tư vấn về các điều kiện cụ thể và trình tự thủ tục thực hiện xin giấy phép hoạt động Phòng khám Nha khoa tại Việt Nam.
I. Văn bản pháp luật trong thủ tục xin giấy phép hoạt động phòng khám nha khoa
1. Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
2. Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
3. Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y Tế;
4. Quyết định 3207/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành răng hàm mặt.
II. Quy định về điều kiện cấp phép hoạt động Phòng khám nha khoa
Phòng khám Nha khoa (Phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt) là một loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc hình thức tổ chức phòng khám chuyên khoa; theo đó việc xin cấp Giấy phép hoạt động thuộc sự điều chỉnh của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Nghị định 109/2016/NĐ-CP; Nghị định 155/2018/NĐ-CP.
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Phòng khám nha khoa cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:
1.1. Điều kiện về cơ sở vật chất
– Có địa điểm cố định;
– Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
– Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;
– Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất là 10 m2 và nơi đón tiếp người bệnh (không bao gồm khu vực chờ khám), được chia thành hai buồng thực hiện chức năng khám bệnh và tư vấn cho người bệnh;
– Trường hợp phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt có hơn 01 ghế răng thì phải bảo đảm diện tích cho mỗi ghế răng ít nhất là 5 m2;
– Trường hợp phòng khám chuyên khoa sử dụng thiết bị bức xạ (bao gồm cả thiết bị X-Quang chụp răng gắn liền với ghế răng) phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ;
– Trường hợp thực hiện thủ thuật, bao gồm cả kỹ thuật cấy ghép răng (implant), thì phải có phòng hoặc khu vực riêng dành cho việc thực hiện thủ thuật. Phòng hoặc khu vực thực hiện thủ thuật phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn.
1.2. Trang thiết bị y tế
– Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;
– Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
1.3. Nhân sự
– Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa: răng, hàm, mặt.
+ Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng trong lĩnh vực: răng, hàm, mặt;
+ Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở;
– Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa, các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
III. Thủ tục thực hiện xin cấp giấy phép hoạt động Phòng khám Nha khoa
Chủ thể thực hiện: Cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động Phòng khám Nha khoa nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Cơ quan thực hiện: Sở Y tế tỉnh/ thành phố nơi đặt Phòng khám
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ cấp phép hoạt động
Cơ sở đề nghị cấp Giấy phép hoạt động nộp 01 bộ hồ sơ. Bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động ;
– Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của
Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
– Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề;
– Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
– Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước sẽ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho cơ sở đề nghị.
Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận xem xét, thẩm định hồ sơ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết
Căn cứ ngày trả kết quả trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ sở đề nghị đến cơ quan nhà nước đã tiếp nhận hồ sơ để nhận kết quả.
Kết quả thực hiện: Giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thời gian thực hiện: 45 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Kết luận
Bizlawyer cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan đến vấn đề này. Qúy khách hàng có nhu cầu hoặc thắc mắc xin liên hệ với Bizlawyer qua địa chỉ email: Info@bizlawyer.vn hoặc Hotline Gọi ngay: 086.888.1900 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.