Thành lập công ty tư vấn du học
Tình huống:
Tôi và 3 người bạn (đều là công dân Việt Nam) đang lên kế hoạch góp vốn thành lập một Công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Hiện chúng tôi không biết nên lựa chọn loại hình Công ty như thế nào cho phù hợp và các thủ tục cần thực hiện là gì? Vậy rất mong nhận được sự tư vấn từ phía Luật sư.
Cơ sở pháp lý:
- Luật doanh nghiệp 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP
Ý kiến tư vấn:
Hiện nay, Luật doanh nghiệp năm 2014 có các quy định cụ thể về từng loại hình doanh nghiệp như sau:
1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên
“Điều 47. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1.Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;
c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này”
2. Công ty TNHH một thành viên
“Điều 73. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.”
3. Công ty cổ phần
“Điều 110. Công ty cổ phần
1.Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.”
4. Công ty hợp danh
“Điều 172. Công ty hợp danh
1.Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.”
Như vậy, căn cứ vào những quy định trên của pháp luật, trường hợp của Bạn có thể lựa chọn loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty Cổ phần. Mỗi loại hình công ty sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Chẳng hạn như Công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ có cơ cấu tổ chức, quản lý đơn giản hơn; Công ty cổ phần có cơ cấu quản lý phức tạp hơn. Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng quản lý để lựa chọn loại hình phù hợp nhất.
Thủ tục thành lập mới doanh nghiệp vui lòng tham khảo tại đây.
Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, vui lòng tham khảo tại đây.