Sáng chế là gì? Điều kiện để bảo hộ sáng chế

I. Sáng chế là gì?

Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 định nghĩa:

“Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.”

Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

(i) Sản phẩm:

– Sản phẩm dưới dạng vật thể, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc

– Sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo.

(ii) Quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

II. Điều kiện bảo hộ sáng chế.

Căn cứ theo Điều 58, Luật sỡ hữu trí tuệ 2005, có 3 điều kiện cơ bản để bảo hộ sáng chế là:

– Có tính mới;

– Có trình độ sáng tạo;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.

1. Tính mới là gì?

Điều 60, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định sáng chế được coi là có tính mới khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

– Nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

– Nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

+ Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005;

+ Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

+ Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

+ Sáng chế được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp.”

Như vậy, sáng chế được xem là có tính mới nếu nó chưa bị bộc lộ công khai ra bên ngoài dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác. Hay nói cách khác, sáng chế phải hoàn toàn mới, chưa từng được biết đến trước đây.

2. Trình độ sáng tạo là gì?

Điều 61, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 giải thích cụ thể về Trình độ sáng tạo của sáng chế:

“1. Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

2. Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 60 của Luật này không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.”

Như vậy, tính sáng tạo có thể được hiểu là kết quả của một ý tưởng, ý tưởng đó tạo ra tính mới và lợi ích trong sáng chế, nhưng không nảy sinh một cách hiển nhiên từ trình độ kỹ thuật hiện tại đối với một người có kỹ năng thông thường (trình độ trung bình) trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

3. Khả năng áp dụng công nghiệp.

Điều 62, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 giải thích về khả năng áp dụng công nghiệp được như sau:

“ Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì có thể thấy giải pháp kỹ thuật như đề cập trong sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Đối tượng phải được chế tạo hoặc sử dụng trong công nghiệp; “công nghiệp” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm những ngành công nghiệp sản xuất, giao thông, y tế, ngư nghiệp, chăn nuôi…

– Thông tin về bản chất của đối tượng cùng với các chỉ dẫn về  điều kiện kỹ thuật cần thiết phải được trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ đến mức cho phép người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được

– Việc chế tạo hoặc sử dụng phải thực hiện lặp lại được với kết quả  ổn định và giống với kết quả nêu trong phần mô tả sáng chế.

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ