Quyền tác giả là gì? Các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả.

Quyền tác giả là một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Tại Khoản 2 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 định nghĩa: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Tức là, quyền tác giả được ghi nhận cho các tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do chính họ sáng tạo ra, hoặc sở hữu một cách hợp pháp. Các tác phẩm này phải do chính tác giả sáng tạo ra, không phải qua bất kỳ một hình thức sao chép từ nguồn đã biết.

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Đồng thời, Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định các đối tượng quyền tác giả bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. Theo đó, pháp luật cũng sẽ quy định các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, và các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể, tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005, các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
  • Tác phẩm báo chí;
  • Tác phẩm âm nhạc;
  • Tác phẩm sân khấu;
  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
  • Tác phẩm nhiếp ảnh;
  • Tác phẩm kiến trúc;
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

–        Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Điều 15 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định, các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin: Theo đó, tin tức thời sự thuần túy được hiểu là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo.
  • Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó. (Văn bản hành chính bao gồm các văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân)
  • Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

Như vậy, quyền tác giả bao gồm các quyền cụ thể được pháp luật ghi nhận cho các tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Việc bảo hộ quyền tác giả đem lại lợi ích về vật chất và tinh thần cho tác giả, khuyến khích các tác giả không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm mới, chất lượng.

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ