Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Tình huống:

Công ty A có trụ sở tại Hà Nội, chuyên sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm bánh bao. Vậy Công ty A có phải xin Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm không ? Trường hợp phải thực hiện thì trình tự, thủ tục, hồ sơ như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

  1. Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12
  2. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm
  3. Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
  4. Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm
  5. Thông tư 43/2018/TT-BCT quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương

Nhận định pháp lý:

1. Công ty A cần phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi thực hiện hoạt động sản xuất sản phẩm bánh bao, vì:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (“GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP”) thì tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP khi hoạt động, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP bao gồm:

– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

– Sơ chế nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

– Nhà hàng trong khách sạn;

– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

– Kinh doanh thức ăn đường phố;

– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Như vậy, đối chiếu các quy định trên cho thấy cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh bao của Công ty A thuộc diện phải cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP khi hoạt động.

2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP

Việc sản xuất, kinh doanh bánh bao của Công ty A thuộc loại hình sơ chế, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến. Theo đó, cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định;
  • Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng dùng để chế biến thực phẩm theo quy định;
  • Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến theo quy định;
  • Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Thủ tục cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP

Thứ nhất: Thực hiện thủ tục xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm

  • Cơ quan thực hiện: Sở Công thương thành phố Hà Nội
  • Hồ sơ bao gồm:

– Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (theo mẫu);

– Bản danh sách các đối tượng đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (theo mẫu);

– Bản sao Giấy chứng đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh;

– Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

  • Trình tự thực hiện:

– Bước 1: Công ty A nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm tại Sở Công thương thành phố Hà Nội;

– Bước 2: Sở Công thương lập kế hoạch để xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và gửi thông báo thời gian, địa điểm tiến hành xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ;

– Bước 3: Sở Công thương tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm. Sau 03 ngày làm việc kề từ ngày tổ chức kiểm tra, đánh giá, Sở Công thương có trách nhiệm cấp giấy xác nhận cho những người trả lời đúng 80% số câu hỏi trở lên ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và câu hỏi kiến thức chuyên ngành.

  • Kết quả: Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm

Thứ hai: Thủ tục GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP

  • Cơ quan thực hiện: Sở Công thương thành phố Hà Nội
  • Hồ sơ bao gồm:

– Đơn đề nghị (theo mẫu);

– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (theo mẫu)

– Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản sao có xác nhận của cơ sở);

– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).

  • Trình tự thực hiện:
  • Bước 1: Công ty A nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp tục GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP tại Sở Công thương thành phố Hà Nội;
  • Bước 2: Sở Công thương tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị;
  • Bước 3: Sở Công thương tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
  • Bước 4: Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”.
  • Kết quả: GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm tham khảo tại đây.

 

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ