Điều kiện và thủ tục sáp nhập Doanh nghiệp

Câu hỏi về điều kiện và thủ tục sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam:

Công ty A (Công ty TNHH) và Công ty B (Công ty Cổ phần) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Hiện tại Công ty A (Công ty bị sáp nhập) đang muốn sáp nhập vào Công ty B (Công ty nhận sáp nhập). Công ty A muốn được tư vấn về các điều kiện và thủ tục liên quan để tiến hành việc sáp nhập doanh nghiệp.
Trả lời: Rất cảm ơn Quý công ty đã gửi câu hỏi đến Bizlawyer, sau đây chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của Quý công ty liên quan đến các điều kiện và thủ tục sáp nhập doanh nghiệp như sau:

Trả lời câu hỏi về thủ tục sáp nhật doanh nghiệp

I. Điều kiện để sáp nhập doanh nghiệp

Tại Điều 195 Luật doanh nghiệp 2014, “số thị phần của doanh nghiệp nhận sáp nhập đang nắm giữ trên thị trường liên quan” sẽ là căn cứ để xác định liệu rằng các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục sáp nhập. Như thông tin tiếp nhận từ Quý Công ty, Công ty A và Công ty B đều là những công ty có hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điều này có thể sẽ là một điểm thuận lợi để Công ty A để tìm hiểu về số thị phần của Công ty B hiện đang nắm giữ trên thị trường là bao nhiêu. Nếu:

– Công ty B có thị phần dưới 30% trên thị trường liên quan: Các bên được thực hiện sáp nhập theo quy định của pháp luật.

– Công ty B có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan: Để sáp nhập vào Công ty này trước hết các bên phải thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan quản lý cạnh, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.

Theo Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, sau khi kết thúc thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định về các doanh nghiệp có được thực hiện sáp nhập hay không.

– Công ty B có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan: Các bên không thể thực hiện sáp nhập, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.

Có thể bạn quan tâm : Thủ tục giải thể doanh nghiệp

II. Các thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh

1. Trình tự: 04 Bước

Bước 1: Công ty A và Công ty B phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập (Lưu ý: Chỉ thực hiện bước này nếu Công ty B đang có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018).

Bước 2: Giai đoạn Chuẩn bị. Công ty A và Công ty B phải chuẩn bị:

– Hợp đồng sáp nhập (“HĐSN”)

– Dự thảo Điều lệ Công ty B.

Bước 3: Các thành viên, chủ sở hữu công ty, các cổ đông của Công ty A, Công ty B thông qua HĐSN, Điều lệ Công ty B.

Lưu ý: HĐSN phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua.

Bước 4: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp, tiến hành đăng ký doanh nghiệp Công ty B theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Cụ thể như sau:

a) Thành phần hồ sơ, bao gồm 02 nhóm:

Nhóm 1: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Công ty B, bao gồm:

• Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

• Điều lệ công ty.

• Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức.

• Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây: Giấy tờ chứng thực cá nhân/tổ chức của chủ thể thành lập doanh nghiệp.

Nhóm 2: Hồ sơ sáp nhập doanh nghiệp, bao gồm:

• HĐSN;

• Nghị quyết và biên bản họp thông qua HĐSN của các Công ty B

• Nghị quyết và biên bản họp thông qua HĐSN của các Công ty A nhập, trừ trường hợp Công ty B là cổ đông sở hữu trên 65% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bị sáp nhập;

• Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của Công ty B và các Công ty A;

b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

c) Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

d) Lệ phí:

– Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần (nộp hồ sơ trực tiếp); Miễn lệ phí nếu đăng ký qua mạng điện tử.

– Lệ phí công bố: 100.000 đồng/lần.

e) Cơ quan thực hiện:

Trường hợp 1: Công ty A và Công ty B có địa chỉ trụ sở chính tại cùng 01 tỉnh thành. Cơ quan đăng ký kinh doanh (CQĐKKD) tại tỉnh thành đó tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của Công ty A trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho Công ty B.

Trường hợp 2: Công ty A và Công ty B có địa chỉ trụ sở chính tại các tỉnh thành khác nhau. CQĐKKD nơi Công ty B có trụ sở chính thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho Công ty B và thông báo đến CQĐKKD nơi Công ty A có trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của Công ty A.

III. Thủ tục Công ty A cần thực hiện với cơ quan thuế

Báo cáo tình tình sử dụng hóa theo quy định của pháp luật về hóa đơn (Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC, điểm a Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 95/2016/TT-BTC);

Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện sáp nhập (Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC). Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì Công ty B có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Công ty A (Khoản 2 Điều 42 Thông tư số 156/2013/TT-BTC);

Phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan thuế (Khoản 3 Điều 22 Thông tư số 95/2016/TT-BTC; Điều 18 Thông tư số 95/2016/TT-BTC).
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích và thiết thực đến Qúy Công ty về các điều kiện và thủ tục liên quan đến sáp nhập doanh nghiệp.

Kết luận

Bizlawyer cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan đến vấn đề này. Qúy Khách hàng có nhu cầu hoặc thắc mắc xin liên hệ với Bizlawyer qua địa chỉ email: Info@bizlawyer.vn hoặc Hotline Gọi ngay: 086.888.1900 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ