Thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp chuyển nhượng vốn (phần vốn góp/cổ phần…) theo quy định của pháp luật.

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ:

  • Luật Thuế thu nhập cá nhân và các Luật sửa đổi bổ sung;
  • Luật Doanh nghiệp;
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC;
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC;
  • Thông tư 25/2018/TT-BTC

2. THẾ NÀO LÀ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”) TỪ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN[1]:

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được từ: Chuyển nhượng vốn góp hoặc chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể bao gồm:

Chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.

Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.

3. THUẾ TNCN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN, KÊ KHAI, NỘP THUẾ TNCN

1. TNCN từ chuyển nhượng vốn góp[2]:

a) Thu nhập tính thuế:

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng – Giá mua – Chi phí hợp lý liên quan

Trong đó:

Đồng tiền sử dụng:

Nếu doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ: Giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ.

Nếu doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam: Giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng.

Giá chuyển nhượng: là số tiền cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Giá mua: là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn. Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn.

Chi phí hợp lý liên quan: là các chi phí pháp lý phục vụ việc chuyển nhượng, khoản phí, lệ phí nộp ngân sách, các khoản phí khác có liên quan trực tiếp. Các khoản này phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

b) Thuế suất: 20%

c) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp=Thu nhập tính thuế×Thuế suất 20%

d) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

e) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế[3]

Cá nhân tự khai: Chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.

Doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân: Chậm nhất là trước thời điểm làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn theo quy định của pháp luật.

f) Thời hạn nộp thuế[4]: chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

2. Thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần:

a) Thu nhập tính thuế:

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng từng lần

Trong đó:

Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần: là giá ghi trên hợp đồngchuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.

b) Thuế suất: 0,1%.

c) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp=Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần (thu nhập tính thuế)xThuế suất 0,1%

d) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có hiệu lực.

e) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế[5]:

Cá nhân trực tiếp khai thuế: Chậm nhất là 10 (mười) ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân: Chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách cổ đông theo quy định của pháp luật.

f) Thời hạn nộp thuế[6]: Chậm nhất ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

[1] Khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC; được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC.

[2] Khoản 1 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

[3] Khoản 4 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

[4] Khoản 4 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

[5] Khoản 6 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

[6] Khoản 6 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

tình huống tham khảo khác

Đăng ký dịch vụ