Những thủ tục pháp lý cần thực hiện trước khi tiến hành hợp nhất/sáp nhập công ty
I. Phân biệt hợp nhất và sáp nhập công ty
Hợp nhất công ty và sáp nhập công ty đều là các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, tuy nhiên giữa 2 hình thức này có nhiều điểm khác biệt, cụ thể:
1. Khái niệm:
– Hợp nhất: Hai hoặc một số công ty (“công ty bị hợp nhất”) có thể hợp nhất thành một công ty mới (“công ty hợp nhất”), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
– Sáp nhập: Một hoặc một số công ty (“công ty bị sáp nhập”) có thể sáp nhập vào một công ty khác (“công ty nhận sáp nhập”) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
2. Hậu quả pháp lý
– Hợp nhất: Tạo ra một công ty mới. Các công ty bị hợp nhất chấm dứt sự tồn tại.
– Sáp nhập: Không tạo ra công ty mới. Các công ty bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại.
3. Sự dịch chuyển tài sản, quyền – nghĩa vụ, lợi ích
– Hợp nhất: Các công ty bị hợp nhất đem tài sản, quyền – nghĩa vụ, lợi ích của mình gộp chung thành một công ty mới (công ty hợp nhất).
– Sáp nhập: Các công ty bị sáp nhập đem tài sản, quyền – nghĩa vụ, lợi ích của mình chuyển sang cho một công ty đã tồn tại trước đó (công ty nhận sáp nhập).
4. Thủ tục pháp lý
– Hợp nhất: Tiến hành đăng ký thành lập công ty mới (công ty hợp nhất).
– Sáp nhập: Tiến hành thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập (Vốn, thành viên góp vốn, bổ sung ngành nghề kinh doanh, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật, tên gọi….).
II. Những thủ tục pháp lý cần thực hiện trước khi tiến hành hợp nhất/sáp nhập công ty
Những thủ tục pháp lý cần thực hiện trước khi tiến hành hợp nhất/sáp nhập công ty sẽ bao gồm:
Bước 1: Kiểm tra điều kiện tiến hành hợp nhất/sáp nhập công ty:
Tại Điều 194, 195 Luật doanh nghiệp 2014, “số thị phần của công ty hợp nhất/công ty nhận sáp nhập nắm giữ trên thị trường liên quan” sẽ quyết định đến việc liệu rằng có thể thực hiện thủ tục hợp nhất/sáp nhập công ty hay không. Cụ thể có 03 trường hợp:
Trường hợp 1: Công ty hợp nhất/nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan: Các bên không thể thực hiện sáp nhập/hợp nhất, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.
Trường hợp 2: Công ty hợp nhất/nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan: Đại diện hợp pháp của Công ty bị hợp nhất/Công ty nhận sáp nhập phải thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan quản lý cạnh, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác. Theo Luật Cạnh tranh 2018, hồ sơ thông báo thông báo sẽ được nộp đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để được thẩm định chính thức. Sau khi kết thúc việc thẩm định chính thức trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định về các công ty có được thực hiện sáp nhập/hợp nhất hay không.
Trường hợp 3: Công ty hợp nhất/nhận sáp nhập có thị phần dưới 30% trên thị trường liên quan: Các bên được thực hiện hợp nhất/sáp nhập theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Hoàn tất thủ tục nội bộ
Giai đoạn Chuẩn bị: Hợp đồng sáp nhập/hợp nhất (“HĐ”); Dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất/nhận sáp nhập (“Điều lệ”);
Giai đoạn thông qua: Các thành viên, chủ sở hữu công ty, các cổ đông của Công ty bị hợp nhất/bị sáp nhập và nhận sáp nhập thông qua HĐ và Điều lệ. Lưu ý: HĐ phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua.
Bước 3: Hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế của công ty bị hợp nhất/công ty bị sáp nhập
Công ty bị hợp nhất/công ty bị sáp nhập có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi hợp nhất/sáp nhập công ty, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày việc thực hiện hợp nhất/sáp nhập được thông qua (Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC). Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì công ty hợp nhất/công ty nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho công ty bị hợp nhất/công ty bị sáp nhập (Khoản 2 Điều 42 Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
Bước 4: Hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan kinh đăng ký kinh doanh
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày thông qua HĐ, Điều lệ, Công ty hợp nhất/Công ty nhận sáp nhập tiến hành đăng ký với cơ quan đănglý kinh doanh theo quy định của pháp luật. Theo đó:
Nếu là hợp nhất: Tiến hành đăng ký thành lập công ty hợp nhất.
Nếu là sáp nhập: Tiến hành thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập (Vốn, thành viên góp vốn, bổ sung ngành nghề kinh doanh, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật, tên gọi….).
Trên đây là một số quy định của pháp luật có liên quan đến việc phân biệt hợp nhất và sáp nhập công ty cũng như những thủ tục pháp lý cần thực hiện trước khi tiến hành hợp nhất/sáp nhập công ty”. Bizlawyer là đơn vị pháp lý chuyên tư vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan đến vấn đề này. Nếu bạn có bất cứ vướng mắc, hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 086.880.1900 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.