Câu hỏi về vấn đề xin giấy phép An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm
Tình huống: Công ty A hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa chua, sữa tươi, váng sữa, …. Đây là các loại thực phẩm đã đóng gói và chế biến. Công ty A muốn hỏi trong trường hợp này Công ty A có cần thực hiện cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm không
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2010 (“Luật An toàn thực phẩm năm 2010”);
- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (“Nghị định 15/2018/NĐ-CP”);
2. Về việc thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (“Giấy chứng nhận ATTP”)
Khoản 27 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định như sau: “Thực phẩm bao gói sẵn là thực phẩm được bao gói và ghi nhãn hoàn chỉnh, sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay”.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn đáp ứng các điều kiện trích dẫn ở trên không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATTP.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, trường hợp Công ty A kinh doanh các sản phẩm sữa chua, sữa tươi, váng sữa, ….đã qua chế biến và bao gói sẵn, ghi nhãn hoàn chỉnh, sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATTP. Theo đó, Công ty A không cần phải thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP khi kinh doanh các sản phẩm này.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Công ty A phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng với các sản phẩm kinh doanh. Cụ thể như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Công ty A phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại sản phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản; có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
- Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại sản phẩm;
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật;
- Có đủ trang thiết bị phù hợp để bảo quản và vận chuyển các loại sản phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
- Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn sản phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình bảo quản sản phẩm;
- Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp vận hành việc bảo quản thực phẩm.